Wednesday, October 29, 2014

Xúc cảm Haivl

Giới SEOer kể lại rằng: có một mạng xã hội tên là Haivl. Ngay từ khi sinh ra đã mang lại những chuỗi cười sảng khoái. Nó phát triển từ ngày này sang ngày khác cho đến khi ngày một nhăn nhở hơn, để rồi một hôm, bị đập phát… 
Chết ngắc! 
Kẻ xót thương thì gào lên kêu khóc. Người lại bảo: đáng đời. 

Còn tôi ?
Xúc cảm Haivl - haivl.com

Phải nói ngay rằng tôi không phải một tín đồ của Haivl, cũng chẳng ghét bỏ gì, thực ra là ít quan tâm. Các bạn đừng ngạc nhiên, một thằng đàn ông đầu ba với hơn chục năm lăn lộn đủ nghề dĩ nhiên chẳng dễ nhỏ nước mắt, cũng như không dễ nhếch mép nổi một nụ cười. Vợ con rồi, yêu đương gì nữa mà mủi lòng. Túm lại là cũng có vào vài lần, nhưng cũng chẳng thấy có gì buồn cười nên đành quay trở về với việc đọc báo mạng, chăm facebook.

Vốn dân làm SEO, trong người cũng nhiễm máu giật tít câu view. Cái lúc Haivl lăn đùng ra chết cũng định a dua với mấy bác chuyên gia trồng cải, làm cái tin cho đỡ ngứa nghề. Nhưng cũng chỉ viết được cái mở đầu rồi lại thôi… có lẽ là cảm xúc nó tụt nhanh quá chăng ?

Trắng tay, thế là “tọa sơn quan hổ đấu”, ngồi xem thiên hạ “chém” nhau, bình loạn thế mà cũng nhiều cái hay:

Bác nọ bảo trâu buộc ghét trâu ăn, bác kia lại bảo Nó ép giá để mua rẻ !

Người than mất chỗ xả stress, người khác lại bảo: thằng đó nhảm !

Có nhiều bác theo chủ nghĩa quan trọng hóa vấn đề thì đấm ngực than: công nghệ nước nhà làm sao phát triển? Mấy người thích đơn giản lại phản bác rằng: thằng đó làm dịch vụ chứ công nghệ quái gì !
Ôi, người ta cứ thoải mái cãi nhau, thằng chết cứ chết. Giờ họa có thuốc thánh đền Bia (của cụ lang Tỳ, lang Phế ) trong tiểu thuyết may ra mới cứu nổi.

Trong khi nhiều người mong cho cái trang “hài nhảm” ấy nó chết hẳn, người mong nó hồi sinh, họ cãi nhau, họ hầm hè nhau, chán. Cái anh seo-ơ nhỏ nhoi là mình lại nghĩ: cãi chỉ để sướng cái mồm một lúc; có chăng thì tranh luận để biết nẻo mà tránh.

Cái chết của Haivl cũng dễ hiểu thôi (các bác xót thương đừng vội ném đá). Bốn cái lí do: Vì sao anh rút (giấy phép) thì ai cũng biết rồi. Cái chuyện trâu ăn với trâu buộc thì cũng chỉ là phỏng đoán, lúc trà dư tửu hậu ta lại lôi ra mà chém. Vấn đề nằm ở chỗ: những ngày sau sẽ như thế nào.

Nhiều người bảo: nắm thằng có tóc, mình đầu trọc lo gì. Nhưng mình cứ trọc mãi ? Nuôi gà lại không muốn gà to, còi dí mãi? To thì lại bị lên thớt…

Là người có tinh thần lạc quan tôi cho rằng chẳng có gì phải lo lắng nhiều. Nhà nước đã có “Dự thảo đề án quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020 xác định báo điện tử sẽ đóng vai trò chủ lực”. Việt Nam vẫn luôn là quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh hàng đầu.

Nhiều người cũng nhận thấy, các SEOer nhận thấy. Nhưng khổ nỗi spam, trộn nội dung, sốc – se.x – sến thường dễ ăn hơn. Cái này có từ trước khi có Haivl, và từ nay về sau cũng còn khuya mới hết.

Trước Haivl, nhiều anh lực điền hơn, trồng cải còn to bằng mấy, nhưng người ta biết điểm dừng. Những “nóng bỏng”, “đắng lòng”, “bỏng mắt”… sau khi hoàn thành nhiệm vụ câu view thì cũng phải tiết chế dần. Tiểu xảo để cho trẻ trâu comment, cho hiển thị luôn, văng tục, chửi bậy thoải mái… cũng phải kiểm soát dần chứ. Cho các chú cái “sướng” được thấy tên, comment của mình ở trên báo lớn, hàng vạn người đọc (trong đó có các chú). Có hàng vạn người đọc rồi thì các chú cứ comment, anh kiểm duyệt xong rồi mới cho hiển thị. Khôn vãi!

Nhiều nơi làm nội dung nhìn vậy chứ vẫn có biên tập và kiểm duyệt (có chuyên môn) đảm trách. Không ăn rau muống bàn chuyện chính trị, không tôn giáo. Nói chung, văn hóa xã hội cho lành.

Ớn nhất là mấy bác cứ oai oái: cái này là mạng xã hội, cái này là forum, tôi không quản được nội dung. Ô hô! Chú không quản được thì anh để đứa nào quản được nó làm!

Mấy cái web, blog SEO không phải là báo, lại cứ thích học báo mà làm tin rồi cũng có lúc được hỏi thăm. Chứ sao, vấn đề này được định hướng như thế nào, nên làm cho nó “sôi sục” hay chỉ một hai kênh chính thống được phát biểu, thể hiện quan điểm, chủ trương…? Có ông SEO-ơ bé tí nào biết không mà lại liều phát ngôn.

Ừ thì thời đại báo chí công dân, nhưng đâu phải ông thấy tai nạn giao thông lao vào chụp vài cái ảnh, thấy đám cháy cạnh nhà, gọi cho tòa soạn, thế là ông thành phóng viên. Vậy mà trong làng SEO cũng nhiều người tự gọi mình là phóng viên, tự coi website như tạp chí. Chẹp! chết lại bảo tại số.

Sau nghị định 72, biết bao nhân tài đã đi về nơi xa lắm. Mỗi một forum, web ra đi để lại vô vàn tranh cãi. Người yêu, kẻ ghét. Haivl cũng chỉ là một trong số đó.
 
Mỗi quốc gia có luật, văn hóa ứng xử riêng. Mỗi công ty dù nhỏ hay hùng mạnh như Google cũng có những qui định riêng: SEO, Adword, Adsense… đều có luật chơi riêng. Trước khi nghĩ tới việc thay đổi Google, hay những thứ lớn hơn hãy tự thay đổi chính mình trước đã.

Haivl ra đi, để lại rất nhiều cảm xúc. Bây giờ thì người ta đã hiểu vì sao nó chết. Nhưng có nhiều SEOer chưa hiểu vì sao mình (sẽ) chết và vẫn muốn lao đầu… hình như là muốn thử!?

Thursday, October 23, 2014

Tổ chức nội dung cho web sản phẩm

Nhiều bạn gặp khó khăn trong Tổ chức nội dung cho website sản phẩm. Chủ yếu là thiếu ý tưởng, trùng lặp nội dung.

Thắc mắc chung


Webiste của mình có khoảng 20.000 sản phẩm và luôn có sản phẩm mới về hàng ngày, hàng tuần, mình không biết bắt đầu như thế nào cả?

Một site bán hàng với hàng nghìn sản phẩm cùng loại, cùng thương hiệu, chỉ khác mẫu mã, vậy có hướng giải pháp nào để nội dung tránh trùng lặp hay ko?

Em bán tranh, các sản phẩm đều giống nhau chỉ khác nhau về kích thước 50 x 50 cm, 70 x 70 cm, 100 x 100 cm…

Có rất nhiều câu hỏi được đưa ra nhưng tựu chung lại là các sản phẩm về cơ bản là giống nhau, chỉ khác nhau một vài chi tiết nhỏ, làm sao để tránh được trùng lặp nội dung?

Dựa vào số lượng sản phẩm


Nếu đó là website của một siêu thị với số lượng tương đương hoặc lớn hơn 20.000 sản phẩm, các mặt hàng thường xuyên thay đổi, việc tổ chức nội dung chi tiết cho các website này không nên là các bài viết dài. Chỉ nên cung cấp thông tin theo như của nhà sản xuất (các thông số kĩ thuật). Nội dung cung cấp thêm nên tóm lược ở 100 chữ.
SEO nội dung: Tổ chức nội dung cho web sản phẩm

Nội dung tối quan trọng cho các website này là “Tin khuyến mãi”.

Chịu khó để ý một chút các bạn sẽ thấy các siêu thị thường xuyên khuyến mãi, không phải là theo tháng mà là theo tuần, mỗi tuần một chương trình kéo dài 3 – 4 ngày, có khi cả tuần. Tờ rơi phủ kín các ngã tư, quăng vào cửa từng nhà.

Laptop Sony Vaio tốt như thế nào, máy tính Dell phù hợp với sinh viên ra sao, Diana mềm mại, Kotex xì – tin… đâu cần SEOer quảng cáo và phân tích. Đây đều là các sản phẩm có thương hiệu, định hình được trong tâm trí người dùng,vấn đề là chính sách bán hàng có gì khác các siêu thị khác, khuyến mãi có “khủng”?

Chính sách bán hàng, khuyến mại thì phải liên hệ với phòng marketing, lấy thông tin, chủ đề. Nói chung là không phải viết bài mô tả sản phẩm chi tiết.

Với những website có vài nghìn sản phẩm, thường là chuyên về một mảng nào đó như: điện máy, mẹ và bé, thể thao, thời trang, làm đẹp, mỹ phẩm… Việc đầu tiên là phân mảng các sản phẩm theo một tiêu chí nào đó dựa trên công dụng, giá thành, mức độ liên quan giữa các sản phẩm.

SEO nội dung: Tổ chức nội dung cho web sản phẩm

Việc tiếp theo là liệt kê từ khóa, bao gồm 2 loại: từ khóa miêu tả sản phẩm, từ khóa miêu tả tiện ích sản phẩmxây dựng khung nội dung.
SEO nội dung: Tổ chức nội dung cho web sản phẩm
 Khung nội dung cho mảng xà đơn.

Khi áp dụng vào thực tế nó sẽ có dạng như sau:

SEO nội dung: Tổ chức nội dung cho web sản phẩm

Có 2 lưu ý với các bạn như sau:


Một là: tùy thuộc vào mức độ liên quan giữa các sản phẩm mà các bạn viết bài cho từng sản phẩm cụ thể hay cho cả nhóm sản phẩm.

Ví dụ: Mảng xà đơn còn có thể chia ra làm: xà đơn xếp, xà đơn treo tường, xà đơn gắn cửa. Chúng ta nên tổ chức bài cụ thể cho từng nhóm con này. Nhưng trong xà đơn gắn cửa thì có ba loại: dài 80 cm, 100 cm và 120 cm thì không nên chia ra làm 3 bài mà viết một bài chung, trong nội dung nhấn mạnh rằng sản phẩm này có 3 kích thước khác nhau.

Tương tự như khi viết về thời trang bạn có các nhóm: thời trang nữ > áo > sơ mi công sở. Bạn có thể viết nhiều sản phẩm về sơ mi cộc tay, sơ mi ngắn tay, sơ mi cách điệu, sơ mi ren, sơ mi kẻ caro, kẻ sọc… cho các sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên với một mẫu có nhiều màu, nhiều size khác nhau thì nên gom vào một bài chứ không thể mỗi size, mỗi mẫu một bài.

Hai là: với các sản phẩm như sắt, thép, xà phòng, hóa chất… thông số kĩ thuật thường dùng cho kĩ sư, không nên đưa lên trên. Nhưng các mặt hàng công nghệ như máy tính, điện thoại thì thông tin kĩ thuật, cấu hình nên đưa lên trước.

Các bạn nên trình bày từ 600 – 800 chữ một bài là ok, không nên tham nội dung, các chi tiết về cách lăp đặt, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, tư vấn mua hàng chính hãng, giá rẻ… sẽ được tách riêng ra trong các bài khác.

Cách tổ chức nội dung như trên có ưu điểm là có thể giúp bạn sản xuất nội dung một cách thống nhất, cho dù là 3 – 4 người cùng làm nhưng dựa trên khung nội dung như thế thì vẫn đảm bảo tính thống nhất. Cấu trúc hình chữ nhật áp dụng cho viết bài sản phẩm theo như mình thấy giúp Google nhận biết nội dung khá tốt, không nhất thiết phải nhồi nhét từ khóa, đối với người đọc thì nó khá trôi chảy, cung cấp được thông tin cần thiết. Tuy nhiên, đọc nhiều vẫn sẽ có cảm giác các nội dung gần tương tự như nhau (thực tế cũng không có mấy khách hàng vào lục tung, đọc hàng chục trang trên website của bạn một lúc đâu!).

Một vài hướng tổ chức nội dung khác


Ở trên mình đã chia sẻ cách làm nội dung cho sản phẩm. Mặc dù là website sản phẩm nhưng mình khuyên các bạn cũng nên tập trung cả vào các bài tư vấn, hướng dẫn sử dụng, qua đó xây dựng liên kết nội bộ, điều hướng người dùng tốt hơn.

Ví dụ: viết một bài về Váy xòe thì phải nghĩ ngay tới các bài: Váy xòe cho bạn gái mảnh mai, Tư vấn diện váy xòe cho nàng quả táo, Nàng công sở diện váy xòe thế nào cho đẹp…

Cách làm nội dung như mình chia sẻ ở phần trước thường áp dụng cho mảng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu cho các web nhiều sản phẩm, đảm bảo tính thống nhất khi có nhiều người tham gia làm nội dung. Từ thực tế cho thấy trong 8 tiếng hành chính, một người có thể viết được khoảng 5 bài.

Một điều cuối cùng, cho dù là bài tư vấn, tin tức hay là sản phẩm thì luôn có nhiều hơn một cách để làm nội dung. Có những cách hay và sáng tào hơn cách mình đã chia sẻ nhưng nó đòi hỏi thời gian, tính sáng tạo và không áp dụng được trên diện rộng với lượng lớn nội dung.

Trước đây có một khách hàng là chủ của một siêu thị Mẹ & Bé có nhờ mình tư vấn về tổ chức nội dung website. Họ có vài trăm sản phẩm, và mình có một suy nghĩ khá “điên rồ” là tại sao không dùng phương pháp kể chuyện. Tưởng tượng mỗi đồ vật như một con người, như là bạn của em bé và tự về câu chuyện của chúng.

Ví dụ: cái bình sữa sẽ kể về cảm giác mang trong mình dòng sữa ấm, cảm giác khi tiếp xúc với môi em em, được em bé ôm trong tay…

Mỗi đồ vật mang trong mình một câu chuyện, yêu – ghét trong một thế giới riêng.

Mình muốn ngoài text còn chuyển thành các audio, dạng như chuyện kể cho bé trước khi đi ngủ.

Khá là mơ mộng, điều quan trọng là các nội dung đó không thể hàng ngày, một tháng may ra làm được vài bài, giá rất chát. Và điều quan trọng là không thể đoán trước hiệu quả sẽ là tiêu cực hay tích cực. Khách hàng có sẵn sàng bỏ tiền để làm một việc mà thành công và rủi ro là 50/50?

Monday, October 20, 2014

Seoer Việt Nam - Thiếu Mà Vẫn Thừa

Phát triển rực rỡ trong 2 năm gần đây ngành SEO tại Việt Nam đã và đang ngày càng được mọi người quan tâm. Trong kế hoạch phát triển marketing trên Internet các doanh nghiệp ngày càng quan tâm và đầu tư cho SEO nhiều hơn.

Mỗi ngày trên các diễn đàn SEO, các trang tìm việc và trên facebook đều có rất nhiều thông tin tuyển dụng người làm SEO với các mức lương rất hấp dẫn từ 4tr-8tr/tháng mà không cần bằng cấp gì. Điều này là một minh chứng rất rõ rét để nói về độ HOT của ngành SEO tại Việt Nam hiện nay.

Người làm SEO tại Việt Nam hiện nay không hề ít nhưng tại sao các doanh nghiệp vẫn luôn luôn đăng tải thông tin tuyển dụng SEOer? Các bạn quản lý nhân sự dành khá nhiều thời gian để tham gia các diễn đàn SEO, các group SEO trên Facebook thậm chí liên hệ với các Influencer (những người có ảnh hưởng) để tìm kiếm nhân tài?



Trao đổi với một số nhà quản lý từ nhiều công ty tôi nhận ra rằng nhân lực cho ngành SEO tại Việt Nam hiện đang ở một tình thế thiếu mà vẫn thừa.

Trong khi các nhà tuyển dụng đăng tin tìm kiếm người làm SEO (tôi tường gọi là SEOer) cũng thường xuyên gửi hồ sơ xin việc đến các công ty có nhu cầu tuyển dụng nhưng rất nhiều bạn bị từ chối?? Vậy đâu là lý do khiến nhà tuyển dụng từ chối CV của các SEOer trong khi họ cũng đang rất cần SEOer?

Dưới đây là những lý do hết sức căn bản có thể khiến bạn ra về ngay từ buổi phỏng vấn đầu tiên mà không cần quay lại:
Kỹ năng viết CV quá tệ, bạn gửi CV nhưng không thể hiện được gì.
Thiếu chủ động trong việc tìm hiểu công ty mình định apply CV
Kỹ năng trả lời phỏng vấn KÉM.
Kinh nghiệm trong công việc hầu hết chưa có đối với SEOer mới.
Kỹ năng thực tế kém vì chỉ biết những kỹ năng cơ bản nhất, nhiều người chỉ nói về lý thuyết.
Không thể làm hoặc không có kỹ năng lập một kế hoạch từ khái quát tới chi tiết cho chiến dịch SEO.
Không có tư duy của người làm marketing online dẫn tới làm SEO mà không hiểu kết quả là gì, làm SEO mà không biết mục đích cuối, dẫn đến… KHÔNG THỂ TỒN TẠI
Chỉ một trong số các lý do bên trên cũng đã đủ để bạn không lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng. Và hầu hết mọi công ty đều mong muốn có được những nhân sự chất lượng nhưng thật khó để có được những nhân sự tốt bởi vì sao?

Đa số các bạn Apply vị trí tuyển dụng SEOer là những bạn Newbie, mới học SEO hoặc tự học tự nghiên cứu trong 1 thời gian ngắn, thiếu sự trải nghiệm thực tế nên nhiều khi đứng trước các câu hỏi tuyển dụng hoặc khi gặp những nhà tuyển dụng am hiểu về SEO phỏng vấn các bạn bị KHỚP và không biết phải trả lời sao cho hợp lý.

Các bạn SEOer mới thì như vậy, còn những bạn SEOer giàu kinh nghiệm hoặc có kỹ năng tốt đa số đều tự đi theo hướng riêng rất ít khi đăng ký ứng tuyển bởi khi có kỹ năng SEO tốt các SEOer thường tự kinh doanh hoặc làm Freelancer để có được thu nhập tốt hơn và không bị vướng bận hạn chế bởi môi trường công sở.

Trong thực tế cũng có rất nhiều SEOer có kinh nghiệm đăng ký tuyển dụng nhưng các bạn lại đưa ra rất nhiều yêu cầu về lương bổng, chế độ ĐẶC BIỆT trong khi năng lực của bạn lại chưa thực sự phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Chị Nguyễn Thu Hiền - phụ trách quản lý nhân sự của một bệnh viện thẩm mỹ cho biết:“Hàng tháng Công ty mình cần tuyển dụng 3-5 SEOer theo từng giai đoạn phát triển dự án, nhưng khoảng 2 tháng gần đây mình không tuyển được SEO nào? Mình cũng đã đăng tuyển dụng trên tất cả các kênh việc làm nhưng hầu như không nhận được hồ sơ nào thực sự tốt. Mình làm HR (Human resources management) nhiều năm nhưng thực sự thấy việc tuyển SEO quả là KHÓ”

Sự lo lắng của chị Hiền cũng như của rất nhiều nhà tuyển dụng khác đang là một thực trạng rất đáng e ngại về một cái nhìn toàn cảnh cho làng SEO Việt Nam trong thời gian vừa qua. SEO vẫn đang là một nghề thực sự HOT, một ngành nghề đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm. Nhưng đồng nghĩa với sự phát triển sẽ là quy luật đào thải. SEO cũng giống như bao ngành nghề khác, sau một thời gian phát triển sẽ là lúc thị trường trở nên khó tính hơn, các nhà tuyển dụng có nhiều yêu cầu cao hơn đòi hỏi các SEOer phải có kỹ năng thực sự tốt và chịu được áp lực công việc cao.

Vậy các SEOer cần phải làm thế nào để có thể chiều lòng các nhà tuyển dụng và có được một công việc ổn định?

Bài viết khá dài nên các bạn vui lòng nghỉ vài giây nghỉ ngơi uống Pepsi, xem JAV tự sướng và tiếp tục đọc nhé ^^

1, Làm đẹp CV của bạn

Việc trước tiên các SEOer cần làm đó là hãy dành thời gian để tạo nên một CV thực sự ấn tượng thể hiện được khả năng SEO của mình. Đối với các bạn mới học SEO, còn ít kinh nghiệm, các bạn cần dành thêm thời gian thực hành hoặc ứng tuyển vị trí CTV hoặc THỬ VIỆC để có thể trải nghiệm qua các dự án thực tế.

CV ứng tuyển SEOer sẽ rất khác so với các CV tuyển dụng ở ngành nghề khác. Bạn có thể chém gió rất hay nhưng nếu bạn không liệt kê được THÀNH TÍCH của mình trên CV thì nhà tuyển dụng cũng sẽ phớt lờ bạn ngay chính vì vậy hãy nhanh chóng bổ xung vào hồ sơ của bạn thật nhiều từ khóa có vị trí TOP để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.

2, Đào sâu, cuốc kỹ các thông tin về công ty mình muốn làm việc

Am hiểu, có kiến thức trong lĩnh vực mình SEO là một lợi thế rất lớn trong quá trình SEO trang web. Vậy nên các bạn cần dành thời gian tìm hiểu thật kỹ về công ty mình ứng tuyển, tìm hiểu về các công việc mình cần làm. Việc nắm được thông tin cụ thể về công ty cũng như tính đặc thù của lĩnh vực mình SEO sẽ giúp bạn có thể tự tin trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng đối với sự am hiểu lĩnh vực của bạn về lĩnh vực họ muốn SEO.

3, Hoàn thiện kĩ năng phỏng vấn

Khi nhắc đến dân IT nói chung hay SEOer nói riêng, mọi người thường nghĩ đó là những người chỉ biết tối ngày cắm đầu vào máy tính, ít giao tiếp. Bạn ít giao lưu xã hội? Bạn thiếu các kĩ năng giao tiếp và xử lí tình huống? Đó là một trở ngại khi bạn tham gia phỏng vấn. Có thể bạn có kĩ năng tốt, xong khi phỏng vấn bạn không thể hiện được qua lời nói của bạn, hoặc bạn không tự tin khi nói về thành tích của mình. Như vậy, liệu nhà tuyển dụng có thực sự tin tưởng để lựa chọn bạn. Vì vậy, ngoài thời gian ngồi máy tính, hãy ra ngoài giao lưu để con người năng động, phản ứng tình huống nhanh nhạy hơn.

4, Kinh nghiệm, kinh nghiệm và kinh nghiệm

Không chỉ riêng ngành SEO mà hầu hết các ngành khác khi tuyển dụng đều mong muốn những người có kinh nghiệm. Đó cũng chính là lý do một số bạn sinh viên mới ra trường tỏ ra bức xúc với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, đặc thù ngành SEO có hơi khác 1 chút, bạn phải có thực hành, bạn phải có thời gian trải nghiệm và đạt được thành tích nào đó thì nhà tuyển dụng mới công nhận năng lực mà bạn ghi trong CV được.

Vậy lấy kinh nghiệm ở đâu? Ngay chính trong những khóa học SEO mà bạn tham gia, hãy vừa học vừa thực hành vừa tăng hiệu quả học mà lại có thêm trải nghiệm. Hoặc bạn trải nghiệm chính những dự án mà chính bạn tự xây dựng, bước đầu từ những dự án dễ, sau đó tăng dần mức độ lên. Hoặc có thể ban đầu là thực tập SEO ở các công ty, để bạn có thêm kĩ năng và kinh nghiệm. Bạn đã thực hành, bạn đã trải nghiệm và bạn đã có thành tích thì không có lý do nào mà bạn lại không tự tin khi nói với nhà tuyển dụng về điều đó.

5, Đừng chỉ biết chém gió

Bạn tự tìm hiểu tài liệu trên mạng hay bạn vừa tham gia xong một khóa học SEO, bạn nghĩ mình đã biết hết tất cả về SEO? Không đâu, tài liệu trên mạng hay khóa học SEO chỉ cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản nhất và tư duy về SEO để qua đó giúp bạn có thể nắm rõ QUY TRÌNH SEO cũng như định hướng giúp bạn cần phải làm gì với một dự án SEO.

Chỉ có thực hành, có trực tiếp làm bạn mới có thể khám phá dần những bí mật về SEO. Vì vậy, đừng chỉ biết chém gió bằng lý thuyết, hãy bắt tay vào cày cuốc, thực hành những gì mình học được và chính bạn tự trải nghiệm. Để khi đó “nói có sách, mách có chứng” thì không ai là không phục bạn cả.

6, Lập kế hoạch SEO

Bất kỳ công việc nào cũng cần có kế hoạch bài bản, và tất nhiên các nhà quản lý đều mong muốn có được một bản kế hoạch SEO đầy đủ. Vậy nên hãy cố gắng tận dụng tất cả các kiến thức mà bạn có để cấu thành một bản kế hoạch SEO nhằm giúp các nhà quản lý hình dung được quy trình cũng như khối lượng công việc và ngân sách cần thiết mà bạn sẽ làm cho chiến dịch SEO của họ.

Đây là kỹ thuật khó nhất trong một chiến dịch SEO, và để có thể lập một kế hoạch SEO hoàn chỉnh chi tiết bạn hãy cố gắng phân tích trang web của mình và trang web đối thủ. Sau khi đã có đủ số liệu cần thiết như content, backlink, traffic bạn hãy tính toán thời gian xây dựng nội dung và thời gian xây dựng liên kết cho chiến dịch của mình.

Không dễ để có thể lập một kế hoạch SEO chính xác tới từng Milimet bởi Google luôn thay đổi và có rất nhiều rủi ro cũng như bất ngờ có thể xảy ra theo chiều hướng không tốt trong quá trình bạn SEO theo kế hoạch đã định sẵn. Và tất nhiên các nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể thông cảm được cho các bạn nếu họ có trong tay bản kế hoạch SEO của chính bạn đã dành cho dự án.

7, Là người làm SEO hãy tư duy như một Marketer thực thụ

SEO lên TOP thôi chưa đủ… SEO là một phần rất quan trọng của Marketing Online, chính vì thế để có thể làm SEO hiệu quả bạn cần tìm hiểu thêm các kiến thức về marketing, truyền thông, quảng cáo để có thể tối ưu nội dung cũng như tối ưu chiến dịch SEO hỗ trợ thật tốt cho quá trình kinh doanh của công ty.

Vì một ngành SEO ngày càng lớn mạnh và CHẤT LƯỢNG, tôi mong rằng các bạn SEOer hãy cố gắng ngày một hoàn thiện bản thân mình, tôi luyện các kỹ năng cần thiết để hỗ trợ cho công việc SEO của mình được hiệu quả hơn. Tại bài viết sau tôi cùng các bạn sẽ thảo luận kỹ hơn về lý do tại sao các nhà tuyển dụng mãi không tìm kiếm được các SEOer phù hợp.

Chúc các bạn kiên nhẫn đọc hết bài viết gặp nhiều may mắn và ngày càng thành công trong công việc của mình. Vui lòng để lại ý kiến để bài viết được tốt hơn.

Tác giả: Lê Nam VietMoz

Friday, October 17, 2014

10 năm Thương hiệu “Gốm sứ Bát Tràng”


Bát Tràng là làng nghề đầu tiên trong số hơn 2000 làng nghề ở Việt Nam đăng ký Thương hiệu cho địa phương mình. Thương hiệu “Gốm sứ Bát Tràng” được công nhận tháng 11/2004.  Qua 10 năm xây dựng và phát triển, câu chuyện Thương Hiệu ở Bát Tràng vẫn còn nhiều trăn trở.

Những thành tựu

 

Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là làng nghề truyền thống với hơn 600 năm tuổi đời. Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, Bát Tràng đã sản xuất ra nhiều sản phẩm độc đáo từ gốm sứ, như: men ngọc, hoa nâu, men rạn, hoa lam…

Các sản phẩm gốm, sứ Bát Tràng đã đạt tới trình độ kĩ thuật chế tác cao, tính nghệ thuật và thẩm mỹ sâu sắc. Đề tài phổ biến trên các sản phẩm là hình rồng, phượng, thơ, câu đối, hoa văn; phản ánh thiên nhiên, đời sống tâm linh, sinh hoạt hàng ngày… qua con mắt và tâm hồn người thợ.

SEO nội dung & Copywriting: Thương hiệu “Gốm sứ Bát Tràng”
Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng mang hơi thở dân gian

Từ 2002, các nghệ nhân Bát Tràng đã liên kết, cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng. Và từ 11/2004 đăng ký và được công nhận Thương hiệu Gốm sứ Bát Tràng.

Hiện tại xã Bát Tràng gồm 2 làng Bát Tràng, Giang Cao với 1800 nhân khẩu. Nghề gốm của Bát Tràng không chỉ tạo công ăn việc làm trong xã mà tạo công ăn việc làm cho 4000 – 5000 lao động thường xuyên từ nơi khác đến.

SEO nội dung & Copywriting: Thương hiệu “Gốm sứ Bát Tràng”
 Những người thợ lành nghề hăng say với công việc

Quá trình xây dựng và phát triển của xã Bát Tràng, đặc biệt là từ khi bước vào thời kì đổi mới (1986) đến nay luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Xây dựng thương hiệu “Gốm sứ Bát Tràng” luôn nằm trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế địa phương, liên tục được đầu tư, phát triển.

Mô hình kết hợp sản xuất, trưng bày sản phẩm với phát triển du lịch, xuất khẩu tại chỗ nhằm quảng bá thương hiệu được áp dụng thành công và phát huy hiệu quả cao. Sản phẩm của làng nghề bắt đầu tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế và bước đầu được đón nhận.

Người Bát Tràng cũng chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về thị trường, các kiến thức, cộng nghệ sản xuất tiên tiến, cũng như từng bước áp dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để nâng cao năng lực cạnh tranh.

… và khó khăn 

 

Mặc dù có những thành tựu đáng kể, nhưng xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề gốm sứ ở Bát Tràng vẫn còn rất nhiều khó khăn.

SEO nội dung & Copywriting: Thương hiệu “Gốm sứ Bát Tràng”
Giá sản phẩm tăng liên tục do ga tăng giá

Giá sản phẩm liên tục tăng do giá ga tăng là một trong những nguyên nhân cơ bản. Việc xây dựng các lò nung bằng ga là một bước tiến quan trọng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì gốm, sứ sử dụng lò nung ga cho màu đều, đẹp, bóng và bền hơn, lại không ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên với việc giá ga liên tục tăng, chiếm tới 55% số tiền đầu tư, nhiều hộ đã quay trở về với lò than truyền thống.

Bên cạnh đó đối thủ cạnh tranh của Bát Tràng là gốm sứ Trung Quốc với cách làm công nghiệp (dán đề - can thay vì vẽ tay) đang tràn ngập thị trường quốc tế, trong nước, với ưu thế về mẫu mã, giá rẻ. Một số hộ tham lợi trước mắt thậm chí còn tiếp tay cho hàng Trung Quốc xuất hiện ngay giữa làng thông qua việc bán hàng tàu dưới mác Bát Tràng.

SEO nội dung & Copywriting: Thương hiệu “Gốm sứ Bát Tràng”
Hàng Trung Quốc xuất hiện ngay tại Bát Tràng

Người tinh mắt có thể nhận ra sự khác biệt giữa sản phẩm công nghiệp và hàng thủ công. Sản phẩm kém chất lượng của Trung Quốc sau một thời gian sử dụng thường có một lớp cặn đen bên dưới (do sử dụng chì trong quá trình chế tác). Điều này sẽ gây mất niềm tin, ảnh hưởng đến thương hiệu Gốm sứ Bát Tràng.

Việc đưa sản phẩm ra giới thiệu trên trường quốc tế còn nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, chủ yếu mang tính cá nhân, tự phát, và nhất là thiếu… tiền. Chi phí cho mỗi lần triển lãm ở nước ngoài khá lớn, thường 300 – 500 triệu/lần. Việc này vượt quá sức của phần đa các doanh nghiệp, hộ kinh doanh Bát Tràng. Trong khi việc tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng rất hạn chế. Việc cho vay để tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài là rất khó để thuyết phục được các ngân hàng.

SEO nội dung & Copywriting: Thương hiệu “Gốm sứ Bát Tràng”
Một góc chợ Bát Tràng

Quảng bá, bán hàng trực tiếp đã khó, nhưng việc “đánh bắt xa bờ” thông qua Thương mại Điện tử (TMĐT) cũng khó khăn không kém. Các doanh nghiệp gốm sứ Bát Tràng đã sớm nhận ra tầm quan trọng của TMĐT trong kinh doanh, nhưng việc ứng dụng vẫn còn rất nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp có website từ trước năm 2003. Nhưng chỉ một thời gian là ngừng hoạt động do các website này không đem lại hiệu quả. Sự nghèo nàn về thông tin, thiếu cập nhật, quản lý kém, nền tảng công nghệ yếu… khiến cho các website chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin, giới thiệu trong khi yếu tố quan trọng nhất là khả năng giao dịch, bán hàng trực tuyến thì không có.

Lời kết

 

“…Ước gì anh lấy được nàng, để anh mua gạch Bát Tràng về xây”

Những sản phẩm tài hoa, ghi dấu đôi bàn tay khéo léo, mang cái thần thái của người thợ luôn được trân trọng. Người Việt xưa đã biết đánh giá chất lượng của sản phẩm thông qua thực tế tiêu dùng. Các sản phẩm tốt, được tin dùng đã đi vào thi ca như một sự ghi nhận, minh chứng.

SEO nội dung & Copywriting: Thương hiệu “Gốm sứ Bát Tràng”
Một khu tiểu cảnh được dàn dựng công phu từ gốm, sứ.

Việt Nam sẽ xoá bỏ hàng rào thuế quan vào năm 2016 (theo như cam kết khi gia nhập WTO), mặt khác cũng đang đàm phán để gia nhập Hiệp định Hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các doanh nghiệp trên cả nước nói chung, tại Bát Tràng nói riêng sẽ đứng trước rất nhiều thuận lợi, thách thức.

Là một sản phẩm thủ công truyền thống, được ghi nhận qua hàng trăm năm sử dụng cả trong và ngoài nước, Bát Tràng có nhiều thế mạnh để xây dựng thành công thương hiệu chung của làng nghề. Điều đó cần nhiều ngành, nhiều cấp và người Bát Tràng phải chung tay.

Văn hóa, truyền thống, con người Bát Tràng sẽ tạo nên sự khác biệt!

Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông…

Sự thành công của Thương hiệu “Gốm sứ Bát Tràng” sẽ đem lại niềm tin, truyền cảm hứng cho các làng nghề trong cả nước.

Bài & ảnh: Nguyễn Hoàng Hà

Sunday, October 12, 2014

Toạ Đàm Trực Tuyến Google AdWords Quí 4 - 2014

<1> Toạ Đàm: Kỹ Năng Bán Hàng AdWords - Căn Bản
Thứ Năm 16/10/2014
Thời gian: 11h - 12h (giờ Việt Nam)
Đăng ký: http://goo.gl/w0bGvx

<2> Toạ Đàm: Kỹ Năng Bán Hàng AdWords - Nâng Cao
Thứ Tư 29/10/2014
Thời gian: 11h - 12h (giờ Việt Nam)
Đăng ký: http://goo.gl/rnqRYW

<3> Toạ Đàm: Tối Ưu Hoá Từ Khoá Trên AdWords
Thứ Ba 11/11/2014
Thời gian: 11h - 12h (giờ Việt Nam)
Đăng ký: http://goo.gl/RkS82h

<4> Toạ Đàm: Cập Nhập Chính Sách AdWords & Thực Hành Tốt Nhất
Thứ Ba 09/12/2014
Thời gian: 11h - 12h (giờ Việt Nam)
Đăng ký: http://goo.gl/CEu1Sv


Popular Posts